Hạ lãi suất: Ngân hàng nói đã giảm, doanh nghiệp bảo chưa !?
Theo công bố, đa số các NHTM đã thực hiện chỉ thị trên và công bố giảm lãi suất nợ cũ. Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp than thở, đây chỉ là “chiêu bài”, vì ngân hàng vẫn đang chần chừ, kéo dài thời gian giữ vốn...
>>thông tin habubank nợ nần là sai sự thật
Trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với ngân hàng về lãi suất và cơ cấu lại nợ mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Sương, giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, đến nay, toàn bộ 12 ngân hàng cổ phần và 8 công ty tài chính có trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh các ngân hàng quốc doanh đã giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15% một năm. “Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã giảm được 30-50% tổng số các hợp đồng vay lãi suất cũ trên 15%. Riêng Vietcombank và BIDV đã giảm 100%. Các ngân hàng khác đang rà soát và cố gắng trong tháng 7 sẽ hoàn tất đưa lãi suất khoản vay cũ về 15%”, bà Sương thông tin thêm.
Trước đó, đại diện NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, một số ngân hàng trên địa bàn đã điều chỉnh các món vay cũ thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên xuống 13%/năm. Các lĩnh vực khác là dưới 15%/năm. Cá biệt sẽ có một vài ngân hàng miễn 100% lãi suất cho một số đối tượng đặc biệt. “NHNN sẽ tổ chức kiểm tra, nơi nào vi phạm, làm không nghiêm việc giảm lãi suất cho các hợp đồng cũ sẽ bị xử lý”, vị này nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù đã có chỉ đạo của thống đốc nhưng không phải đơn vị nào cũng được tiếp cận với lãi suất 15%/năm. Không ít “ông chủ” phàn nàn, ngân hàng chỉ gật đầu giảm lãi suất với doanh nghiệp “khỏe” thay vì thực hiện đồng loạt như chỉ thị. Chia sẻ với Người đưa tin, đại diện một doanh nghiệp xây dựng tại Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Với những khoản vay mới, có vẻ ngân hàng “rộng hầu bao”, cởi mở hơn nhưng khi đề cập đến khoản vay cũ ngân hàng đều “bao biện”… phải chờ xem xét!?. Dù các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất nợ cũ về 15% nhưng tất cả mới chỉ là lời nói, còn thực tế lại khá phũ phàng. Tôi có cảm giác, ngân hàng đang quay lưng phó mặc “sống chết mặc bay” khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt, doanh nghiệp bị cho rằng liên quan đến “ông” bất động sản nên ngân hàng dường như không mặn mà khi cho chúng tôi vay vốn”, vị này nói.
Đại diện doanh nghiệp này cũng kể tường tận hoàn cảnh của mình cho phóng viên: “Công ty tôi có ký hợp đồng vay vốn để mua thiết bị, vật tư với chi nhánh một ngân hàng lớn trên địa bàn Cầu Giấy. Tổng giá trị khoản vay trên 300 triệu đồng, lãi suất 18%/năm. Tiền chúng tôi đang bị đơn vị nợ có khi gấp đôi số tiền vay tại ngân hàng. Ngay cả tài sản thế chấp cũng gấp 5 lần khoản vay. Tháng trước đến hạn trả tiền, chúng tôi liên hệ ngân hàng tìm cách tháo gỡ khó khăn nhưng phía ngân hàng luôn từ chối gặp mà cứ phạt tiền chậm trả. Lãi suất nợ cũ chẳng những không được giảm mà chúng tôi còn bị phạt vì trả chậm”.
Cũng liên quan đến câu chuyện này, ông Đoàn Trọng Lý, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Approcimex cho biết, doanh nghiệp của ông có các khoản vay trên 300 tỷ đồng nằm rải rác ở 6 ngân hàng thương mại kể cả quốc doanh lẫn cổ phần. “Vừa qua, thực hiện chủ trương của NHNN, 3 “ông lớn” Vietinbank, Vietcombank, Agribank đã chủ động gọi điện thông báo doanh nghiệp của ông thuộc danh sách hưởng ưu đãi của chương trình này. Tuy nhiên, 3 ngân hàng thương mại cổ phần còn lại vẫn “bặt vô âm tín”. Chúng tôi liên lạc thì được biết, doanh nghiệp chưa được xét hoặc ngân hàng chưa có chủ trương gì”, ông Lý cho biết.
Đại diện doanh nghiệp này cũng tiết lộ, để doanh nghiệp được ngân hàng quan tâm thời điểm này thì phải không có nợ quá hạn và quan trọng là có một lượng tiền được đối tác luân chuyển thường xuyên qua tài khoản tại ngân hàng. “Trường hợp doanh nghiệp vừa nợ, tài sản không có thanh khoản, không có khả năng trả nợ, tăng trưởng doanh số không ổn định thì không dễ gì ngân hàng lại ưu ái như vậy”, ông Lý nhấn mạnh.
Theo NĐT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét